trang chủ tin tức xe Doanh nghiệp đầu tư trạm sạc xe điện “dò đường” chờ thời cơ

Doanh nghiệp đầu tư trạm sạc xe điện “dò đường” chờ thời cơ

Không ít các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, cung ứng thiết bị trạm sạc xe điện nhưng do các chính sách chưa rõ ràng nên đa số mới chỉ “dò đường”, chờ thời cơ.

Việc đầu tư hệ thống trạm sạc xe điện tại Việt Nam đang bị khoảng trống về pháp lý, cũng chưa có quy chuẩn… nên phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm. Rất cần Nhà nước định hướng bằng chính sách để phát triển hệ thống hạ tầng quan trọng này…

Doanh nghiệp thăm dò thị trường

photo-1694099370404

Hiện nay, ngoài Vinfast có độ bao phủ trạm sạc lớn nhất Việt Nam với hơn 150 nghìn cổng sạc, các doanh nghiệp khác vẫn đầu tư dè dặt, vừa làm vừa nghe ngóng. Ảnh: PV.

Chỉ trong một thời gian ngắn, xe thuần điện (EV) đã có những bước phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Từ đầu năm đến đầu tháng 7/2023, đã có 12.585 ô tô điện được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận. Cộng dồn từ năm 2018, đã có 20.075 ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Đề xuất nhiều chính sách

Bộ GTVT vừa đề xuất Chính phủ nhóm chính sách phát triển hạ tầng trạm sạc điện, bao gồm: Ban hành các bộ quy chuẩn về trạm sạc điện, chuẩn kết nối trạm sạc phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ sạc quốc tế; Quy định hệ thống trạm sạc điện trong hệ thống hạ tầng cơ sở; Nghiên cứu, ban hành các quy định về khai thác, chia sẻ trạm sạc; Ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để sản xuất trụ sạc điện, xây dựng hạ tầng trạm sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh.

Miễn thuế nhập khẩu máy móc linh kiện để lắp đặt trạm sạc điện; Ưu đãi tiền thuê đất, tiếp cận quỹ đất để xây dựng trạm sạc điện; Miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trạm sạc điện; Ưu đãi giá bán điện, ưu tiên cung cấp nguồn điện để phục vụ cho hệ thống trạm sạc điện công cộng…

Với sự phát triển nhanh chóng của xe điện, hàng loạt doanh nghiệp cũng bắt đầu tham gia vào thị trường cung cấp thiết bị sạc và dịch vụ cho loại phương tiện này. Ngoài các hãng ô tô đã và đang xây dựng trạm sạc tại Việt Nam như: VinFast, Porsche hay Mercedes-Benz, còn có một số đơn vị đầu tư phát triển trạm sạc bên thứ ba như: EV One, EverEV, Eboost, EVN...

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thiết bị và giải pháp trạm sạc 1 (EV1) cho biết, hiện doanh nghiệp đang cung cấp cả giải pháp về phần cứng và phần mềm cho hệ thống trạm sạc, hướng tới cả đối tượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

"Phần cứng gồm các bộ sạc, trạm sạc dành cho khách hàng cá nhân muốn lắp tại nhà, hoặc các hãng ô tô có nhu cầu mua số lượng lớn để làm điểm sạc hoặc quà tặng kèm theo xe. Ngoài phần cứng, EV1 còn cung cấp phần mềm quản lý hệ thống trạm sạc", ông Đạt cho biết.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Phân phối, vận hành và bảo trì sạc ô tô điện (EverEV), hiện đối tượng khách hàng cá nhân vẫn chiếm số lượng lớn nhất, bên cạnh một số đội xe taxi điện khí hóa mà công ty đã hợp tác. Với các đối tác có mặt bằng và hạ tầng điện thuận lợi, EverEV có thể hợp tác đầu tư hoặc tự đầu tư 100% để phát triển trạm sạc. Cùng đó là sự tham gia của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Dù cho rằng thị trường xe điện Việt Nam có nhiều tiềm năng, phần lớn đơn vị cung cấp giải pháp sạc bên thứ ba vẫn đang thận trọng, chủ yếu mới ở mức thăm dò và thử phản ứng của thị trường.

"Ngoài VinFast, các doanh nghiệp còn lại đều đang đầu tư ở mức quy mô nhỏ và rót vốn dần qua từng giai đoạn. Lý do bởi hiện tại cả người dùng xe điện, người đầu tư trạm sạc và người làm chính sách đều đang dò dẫm, đo lường phản ứng và chuyển biến từ thị trường để điều chỉnh.

Thêm vào đó, đây vẫn là câu chuyện "con gà và quả trứng" khi người tiêu dùng chờ đợi có nhiều trạm sạc mới mạnh tay mua xe điện, còn bên phát triển trạm sạc lại chờ lượng xe điện đủ nhiều mới đầu tư xây dựng", ông Cường nhận định.

Đồng quan điểm, ông Đạt cho biết, EV1 cũng đang nghe ngóng, chờ đợi và tìm những bước đi thích hợp trong ngắn hạn và dài hạn để tránh tình trạng bị chôn vốn.

 
 
 

Chờ chính sách hỗ trợ

photo-1694099374850

Theo một số nhà đầu tư, tổng chi phí xây dựng một trạm sạc nhanh cho ô tô điện tại Việt Nam có thể lên đến nhiều tỷ đồng.

Ông Đạt cho biết, ngoài vốn, một trong những khó khăn chung của tất cả đơn vị đầu tư trạm sạc công cộng hiện tại là tìm được địa điểm phù hợp và hạ tầng điện đủ để đáp ứng, đặc biệt với các loại sạc nhanh có công suất cao.

"Số tiền để lắp đặt trạm hạ thế cho trạm sạc xe điện không nhỏ. Nếu cam kết được về lượng điện sẽ sử dụng hàng năm với bên điện lực, chi phí có thể thấp hơn nhưng với loại hình kinh doanh này, đây là con số không thể tính toán trước.

Hiện tại, chưa có hướng dẫn và quy định chung để xin cấp phép đầu tư trạm sạc, quy trình làm việc có thể sẽ phát sinh khác nhau tùy từng địa điểm đặt trạm. Những nơi đặt trạm sạc như trung tâm mua sắm, nhà hàng, khu công nghiệp hay khu chung cư cũng lại có biểu giá điện khác nhau theo quy định của điện lực", ông Đạt nói thêm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, để hạ tầng trạm sạc thực sự phát triển tại Việt Nam, cần có những chính sách, tiêu chuẩn và quy chuẩn cụ thể, rõ ràng, đồng thời thực hiện hậu kiểm với các bên đầu tư.

Ví dụ như về bảo đảm an toàn PCCC hiện vẫn theo quy định chung chứ chưa được ban hành riêng cho trạm sạc. Các loại trạm sạc trên thị trường đang theo tiêu chuẩn tương đương tiêu chuẩn IEC 61851 của châu Âu, nhưng trong nước hiện chưa có thiết bị để hợp chuẩn.

"Ngoài ra, nhà nước cũng nên có khuyến cáo, quy định để tránh tình trạng phân tán độc quyền như xe hãng nào được chỉ được phép sạc ở trạm của hãng đó. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng", ông Cường nhận định.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã có các quy định và chính sách hỗ trợ phát triển trạm sạc xe điện.

Thủ đô Oslo của Na Uy buộc các tòa nhà xây dựng mới phải có ít nhất 50% bãi đậu xe trang bị trạm sạc điện cho ô tô. Mỹ cung cấp nhiều khoản trợ cấp, ưu đãi về thuế cho cơ sở hạ tầng sạc và đầu tư nhiều tỷ USD cho mục tiêu 500.000 trạm sạc trên toàn quốc vào năm 2030.

Tại Trung Quốc, hơn 120.000 trạm sạc điện được lắp đặt năm 2020 do chính phủ tài trợ và đặt ra các yêu cầu kỹ thuật. Từ năm 2021 - 2025, quốc gia này đặt mục tiêu xây dựng hơn 700.000 trạm sạc (trong đó có 60.000 trạm sạc công cộng có thu phí).

Hiện trạng hệ thống trạm sạc tại Việt Nam

Hệ thống trạm sạc xe điện có độ bao phủ cao nhất tại Việt Nam hiện nay là hệ thống của VinFast. Các trạm được đặt tại các bãi đỗ xe, bến xe, tòa nhà chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu dọc cao tốc, quốc lộ. VinFast phát triển hệ thống trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện, trải dài rộng khắp 63 tỉnh, thành.

Một doanh nghiệp khác cũng cung cấp giải pháp sạc cho xe điện hiện nay tại Việt Nam là Công ty EVIDA với sản phẩm sạc xe điện thông minh EBOOST. EBOOST đang cung cấp thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống trạm sạc xe điện với hơn 850 điểm sạc điện phủ khắp toàn quốc.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã nhập cuộc với sản phẩm được phát triển bởi Trung tâm Sản xuất điện tử điện lực miền Trung (thuộc EVN). Hiện EVN đã hoàn thành và bàn giao 6 trạm sạc đến khách hàng. Đây là trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam đến từ một nhà sản xuất không làm ô tô.

Một số thương hiệu như Porsche, Audi hay Mercedes-Benz cũng đã thiết lập hệ thống trạm sạc cho khách hàng, tuy nhiên số lượng vẫn còn hạn chế, hầu hết chỉ lắp đặt tại showroom hoặc nhà máy của hãng.

Ngoài ra, hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hệ thống trạm sạc cho xe điện cũng đã bày tỏ ý định mở rộng thị trường kinh doanh trạm sạc xe điện tại Việt Nam như Siemens, Charge+, ABB.

Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc điều hành EV1, chi phí trang thiết bị cho một trạm sạc công suất cao có thể lên đến từ 5-7 tỷ đồng. Tham khảo một số mô hình tại nước ngoài, nếu lượng xe vào sạc ổn định, thời gian thu hồi vốn có thể khoảng từ 2-3 năm. Tuy nhiên tại Việt Nam do thị trường xe điện còn quá nhỏ (không tính VinFast đã có hạ tầng riêng) nên khó tính được phương án thu hồi vốn.

(Nguồn: xe.baogiaothong.vn)